Vị của Tết
Ngày:13/01/2020 lúc 00:00AM
Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian được trông chờ nhất trong năm. Bởi lẽ, đây là dịp để mọi gia đình sum họp, là khởi sự cho muôn vàn điều tốt đẹp, đón chào một năm mới sung túc và phát tài. Đặc biệt, Tết cổ truyền còn mang hương vị xuân bao trùm mọi không gian đất trời, khiến cho người ta càng thêm háo hức đón chào không khí Tết.
Vị Tết hương Xuân luôn khắc sâu trong tâm thức của người dân Việt Nam mỗi độ Tết đến Xuân về. Dù ai có đi ngược về xuôi đến đâu cũng mong chóng đến ngày Tết cổ truyền để trở về nguồn cội, tưới mát tâm hồn mình trong những ngày ngập tràn sắc hương tân niên ấy.
Nhất là đối với những người Việt xa quê, mùi hương trầm vấn vít, mùi phật thủ, bưởi thờ, mùi bánh chưng,... Rồi làm sao quên được vị dưa hành, củ kiệu, vị nem, vị chả, vị bánh mật, chè gừng...
Giữa những con gió đầu năm se se lạnh, không gian Xuân ngập tràn từ ngoài ngõ về đến tận góc nhà.
Từ nhỏ đến lớn, dù có bận rộn đến mấy thì sớm muộn gì cũng phải ít nhất một lần đi chợ Tết cùng mẹ. Hồi nhỏ, chợ quê tuy nghèo nhưng vẫn không thể thiếu vắng mấy cô, mấy bà bán hoa. Góc này có cô thì bán hoa vạn thọ thì góc kia sẽ có bà bán cúc, phát tài…
Sắc mai đào rực rỡ khắp mọi nẻo đường… Nhà nào tuốt lá sớm thì chúng sẽ khoe sắc rộ vào trước và trong các mùng. Nhà nào có lỡ tay tuốt lá muộn thì hoa rộ vào trong hoặc sau Tết. Tuy nhiên, dù là sớm hay muộn đi nữa thì ai nấy cũng đều rất thích thú bởi cảm giác Xuân sẽ kéo dài hơn, Tết sẽ ở lại lâu hơn… Những nhành mai đào hé nụ phảng phất hương thơm dịu nhẹ khắp mọi nơi làm cho lòng người càng thêm háo hức…
Nhắc đến vị của Tết, không thể không nhắc đến hương vị của ẩm thực cổ truyền.
Là một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của Tết, mứt không chỉ là những món ăn chơi thơm ngon mà còn ấp ủ hương vị ý nghĩa tốt lành cho một năm mới may mắn và hành phúc.
Món mứt thơm ngon nhất vẫn là mứt nhà làm. Mùi củ quả mới hái sau nhà giữ nguyên vị tươi mới với công chăm sóc, vun trồng cây trái vườn của ba thì an toàn khỏi phải nói. Thêm bàn tay khéo léo của mẹ thì mùi mứt dừa, mứt chuối, mứt gừng thơm ngon chẳng phải bàn. Muốn mứt ngon thì việc canh lửa và luôn tay đảo đều là khâu quan trọng nhất. Trong thời gian đợi chờ thành quả, mùi mứt thơm lan tỏa khắp nhà. Cái mùi Tết càng xuất hiện rõ ràng hơn bao giờ hết…
Vị mứt Tết còn có ý nghĩa gắn kết tình tâm giao giữa chủ nhà với khách. Cắn miếng mứt ngọt tan nơi đầu lưỡi, kể cho nhau nghe những câu chuyện ngọt bùi của năm cũ và năm mới khiến ai nấy cũng ấm lòng.
Mùi bánh nếp quyện thịt mỡ trong nồi bánh chưng thơm lừng bên cạnh hương thơm đặc trưng của nồi thịt kho tàu đêm 29, 30 thi thoảng mùi khói bếp phảng phất khiến cho người già cho tới trẻ nhỏ không ai có thể không nôn nao trong lòng.
Bên cạnh những món cơ bản này, bất kể gia đình có gia cảnh thế nào thì Tết đến, không nhà nào có thể thiếu các món nem chả, lạp xưởng, gà luộc,…
Ngoài các món ăn chính đậm đà, những món phụ ăn kèm như xôi gấc, chè gừng, dưa hành, củ kiệu cũng không thể nào thiếu mặt trong 3 ngày Tết. Vị chua nhẹ, ấm nồng của các món phụ này sẽ góp phần cân bằng cho Tết thêm tròn vị.
Tất cả đã sẵn sàng, cả nhà vui vẻ quây quần bên mâm cơm đoàn viên thưởng thức những món ăn đậm đà truyền thống trong cái không gian ăm ắp hương xuân. Vị Tết càng đậm nét hơn với hương trầm trên bàn thờ gia tiên thoang thoảng mùi phật thủ, bưởi chưng ngày Tết. Dưới sân nhà bọn con nít đùa giỡn thơm mùi quần áo mới, tiếng cười rộn vang cả góc sân. Người lớn thì tay bắt mặt mừng, trao nhau những câu đối đỏ còn nguyên mùi mực mới. Cứ thế mọi người trao cho nhau những hương vị ngọt ngào và may mắn, chào đón năm mới với ước vọng an khang, thịnh vượng ngày đầu năm mới…
Vị Tết chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ ấm lòng!
Để vị của Tết thêm vẹn tròn ý nghĩa, đừng quên mua thịt heo sạch tại http://porkshop.vn/ nhé!
Chúc mọi nhà một mùa Tết ấm áp và bình an!